Lượt xem: 739

Sóc Trăng phát huy sức mạnh tự lực, tự cường, năng động sáng tạo

Ngay sau khi tỉnh Phước Long được hoàn toàn giải phóng vào ngày 06/01/1975, thế và lực của cách mạng miền Nam có bước chuyển biến quan trọng, đánh dấu cục diện chiến trường toàn miền thay đổi có lợi cho lực lượng cách mạng. Tỉnh ủy Sóc Trăng đã kịp thời triển khai tốt các nội dung chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về việc tích cực chuẩn bị lực lượng, đẩy mạnh các cuộc tiến công địch trên khắp địa bàn tỉnh nhà.

 

    Ngày 11/3/1975, chiến thắng Buôn Ma Thuột, địch rút quân khỏi Tây Nguyên tạo tiền đề cho chiến cuộc Đông Xuân 1974-1975 của ta giành thắng lợi. Tiếp sau thắng lợi hoàn toàn ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, quân cách mạng tiến hành tiến công và đánh tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch ở Phan Rang (20/4/1975), rồi Xuân Lộc (22/4/1975). Đến đây xem như số phận của chính quyền Sài Gòn đã được an bài. Chính phủ và quân đội Mỹ đành phải chấp nhận thất bại ở miền Nam Việt Nam, lập cầu không vận đưa cán bộ nhân viên tại Sài Gòn ra các tàu thuộc hạm đội ở Thái Bình Dương.

    Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Miền, trên cơ sở Nghị quyết 15 ngày 29/3/1975 của Trung ương Cục, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng và Ban Cán sự Tỉnh đội đã họp chuẩn bị các nội dung cho cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng ngày 6/4/1975 tại Khu căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước. Hội nghị này đã quyết định phương án tự lực để giải phòng tỉnh nhà, không ngồi chờ lực lượng của Quân Khu hỗ trợ. Đây là quyết tâm lớn, trên cơ sở đánh giá tương quan giữa lực lượng của ta và địch trong tỉnh có sự chênh lệnh lớn. Tại thời điểm đó, quân cách mạng có trên 2.000 quân của 3 tiểu đoàn Phú Lợi, cùng 1 số đại đội thuộc Tỉnh đội, khí tài còn thiếu thốn. Lực lượng địch còn trên 20.000 sĩ quan, binh lính, vũ khí trang bị đầy đủ, công sự phòng thủ vững chắc. Như vậy, lực lượng địch hơn ta gấp 10 lần, nhưng khí thế tiến công toàn miền Nam đã làm sụp đỗ hầu hết tinh thần chiến đấu của lực lượng địch trong tỉnh, khả năng chi viện của địch không còn. Trong lúc này, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao ở nông thôn và cả thành thị, gia đình binh sĩ cũng góp phần kêu gọi con em họ buông súng, bỏ ngũ trở về gia đình.

    Trên cơ sở phân tích nhạy bén chính xác tình hình, Tỉnh ủy và Tỉnh đội đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy trọng điểm của tỉnh cùng các Tiểu ban chuyên môn, các huyện cũng thành lập Ban Chỉ huy chiến dịch. Hội nghị đã quyết định bổ sung lực lượng từ huyện lên tỉnh, từ xã lên huyện, tinh thần là xã tự lực giải phóng xã, huyện tự lực giải phóng huyện, tỉnh tập trung lực lượng giải phóng tỉnh lỵ, thành lập thêm tiểu đoàn Phú Lợi IV.

    Từ quyết tâm này, Ban Chỉ huy chiến dịch của tỉnh làm việc với Ban Chỉ huy chiến dịch thị xã Sóc Trăng chia 2 khu vực để tiến hành Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa. Ta đã tập trung lực lượng tinh nhuệ của tỉnh để bao vây thị xã, tập trung chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu của địch. Cùng với lực lượng quân sự, mũi binh vận kết hợp sức mạnh tiến công của lực lượng ta ở các huyện, xã, tiến tới tập trung quần chúng nổi dậy từ 5 đến 10 ngàn người, đánh giải phóng các cứ điểm của địch ven ngoại ô thị xã Sóc Trăng, dần dần áp sát các mục tiêu đã đề ra.

    Ngày 9/4/1975, kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa được triển khai đến các huyện, thị trong tỉnh. Ngày 20/4, các lực lượng trong tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đạt yêu cầu. Công tác chuẩn bị mọi mặt cũng hoàn tất, chỉ chờ lệnh nổ súng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch.

    Ngày 26/4/1975, lúc 17 giờ, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu bằng cuộc Tổng công kích đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, tiến công tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch. Sáng sớm ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn. Lúc 10 giờ 45 phút, đội xe tăng của ta tiến vào dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

    Ngày 29/4/1975, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến dịch đã họp với phái viên Khu ủy. Sau khi phân tích công tác chuẩn bị, thời cơ, sức mạnh cách mạng, Tỉnh ủy quyết định chọn phương án Tổng tiến công thay vì vây ép chờ lực lượng của trên hỗ trợ. Đêm 29/4, tất cả lực lượng bí mật hành quân được tiếp cận các mục tiêu của địch chung quanh tỉnh lỵ.

    3g15 phút sáng ngày 30/4/1975, một cánh quân của ta đụng địch phải nổ súng, sau đó, các cánh quân lần lượt nổ súng tấn công vào các mục tiêu đã định. Địch chỉ chống trả quyết liệt ở một số vị trí, còn lại đa số đều rút chạy hoặc buông súng đầu hàng. Đến 9 giờ 30 phút, Đài Phát thanh Sài Gòn phát Lời Tuyên bố ngừng bắn, đầu hàng vô điều kiện của chính quyền Sài Gòn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Tuy vậy, số phần tử ngoan cố của địch ở một số vị trí trong tỉnh như tại tiểu khu, sân bay, … vẫn chưa chịu đầu hàng.

    Lực lượng cách mạng sử dụng công tác binh vận, liên tục kêu gọi địch đầu hàng. Khoảng 12 giờ, Tiểu khu Ba Xuyên mới chịu đề nghị ngưng tiếng súng và thương lượng bàn giao chính quyền. Ban Chỉ huy chiến dịch vẫn cho lệnh các cánh quân tiếp tục tiến công và giải phóng ngay Tiểu khu Sóc Trăng cùng một số mục tiêu khác. Mục tiêu cuối cùng tại khu vực sân bay với nhiều lực lượng của địch cũng phải buông súng đầu hàng vào lúc 14 giờ ngày 30/4/1975. Thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng.

    Dù địch ngoan cố chống trả, nhưng cuối cùng Chi khu Long Phú cũng giải phóng lúc 5 giờ sáng ngày 1/5/1975 và chi khu Ngã Năm cũng giành được thắng lợi vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày. Toàn tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn được giải phóng.

    Nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ chiến thắng lịch sử này trên địa bàn tỉnh, góp phần vào Đại thắng mùa Xuân của cả dân tộc, nhưng bài học quý giá nhất chính là tinh thần tiến công cách mạng, khả năng đánh giá tình hình, chớp lấy thời cơ, chủ động bố trí tập trung lực lượng tiến công, đánh vào các cứ điểm trọng yếu, cơ quan đầu não của địch tại trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng, kết hợp lực lượng đông đảo của quần chúng trong thị xã và các huyện kéo về. Tinh thần lấy sức mạnh tại chỗ, quyết tâm chớp lấy thời cơ, tự giải phóng mình đã được triển khai thực hiện một cách hoàn hảo.

    45 năm qua, từ sau ngày 30/4/1975, tinh thần tiến công cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường tiếp tục được nối tiếp thể hiện qua sự chỉ đạo của Đảng bộ và Chính quyền các cấp của tỉnh trên các lĩnh vực sản xuất, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, phát triển khoa học công nghê, bảo vệ môi trường v.v. . . Rất nhiều đề tài khoa học được nghiên cứu, nhiều công trình được xây dựng trên quê hương tỉnh Sóc Trăng nhằm phục vụ cho sản xuất, cho phát triển kinh tế và đời sống người dân. Sự đổi mới ở vùng nông thôn, sự khởi sắc, thay da đổi thịt ở các thị trấn, thị xã và ngay tại thành phố Sóc Trăng đã minh chứng cho tinh thần tự lực vươn lên của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.

    Từ đầu năm 2020 đến nay, Sóc Trăng chung sức cùng cả nước chiến đấu với Covid-19, điều này càng góp phần thể hiện sâu sắc tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng, bắt nguồn từ sức mạnh tự lực, tự cường, năng động sáng tạo của chiến thắng lịch sử của 45 năm trước đó.

    Vẫn còn đó một số khó khăn nhất định ở một vài lĩnh vực và một số địa bàn, nhưng Sóc Trăng đang trên đà phát triển. Sức mạnh của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Sóc Trăng ngày càng được phát huy, nhằm từng bước hện thực mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra, là: Sớm xây dựng Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế khá trong khu vực./.

Trịnh Công Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 6195
  • Trong tuần: 76,902
  • Tất cả: 11,800,222